Nói đến ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc tới văn hóa Việt Nam là chuyện quá bình thường. Nhưng xét ảnh hưởng ấy đến đâu lại là chuyện ít người đề cập tới. Thí dụ, khi nói đến Nho giáo, thi cử, văn chương, sự thể hiện mức độ khác nhau ấy là xuất phát từ cơ sở gì. Đặc biệt phải tìm cho được nguyên lí cơ bản dẫn tới sự khác nhau, nếu không, người ta sẽ rơi vào một trong hai điều cực đoan, hoặc là chỉ thấy sự bắt chước, hoặc là chỉ thấy sự chống lại.
Trong việc viết chương này tôi cảm ơn nhà Hán học Pháp Simon Leys, tác giả quyển “La forêt en feu”(Cánh rừng bốc lửa). Tôi thấy bài “Thơ và Hoa: những phương diện của mĩ học Trung Hoa cổ điển” rất hay. Tôi cho bài này là một trong những bài hay nhất nói về văn hóa Trung Hoa. Những ấn tượng tác giả nêu tên nhiều chỗ khớp với các sở nghiệm của tôi. Nếu tôi nói ra chắc chắn người ta sẽ bảo tôi điên hay ít nhất là gàn, bởi vì những điều tác giả nói chẳng giống gì với quan niệm thông thường của ta về văn hóa Trung Hoa cả. Mà chính điều này mới là quan trọng để hiểu, tuy có tiếp xúc văn hóa, vẫn có sự khác nhau hết sức cơ bản mà chúng ta cần phải tính đến. Bởi vì Việt Nam dù có tiếp xúc với văn hóa nào thì cũng chỉ tiếp xúc theo một kiểu lựa chọn đặc biệt Việt Nam, do truyền thống Việt Nam quy định.
Tôi có được cái may mắn sinh ra trong một gia đình khoa bảng, biết phần lớn các nhà Nho nổi tiếng mà thế hệ của tôi có thể tiếp xúc được, đồng thời có một vốn chữ Hán đủ để hiểu các bác tôi nói gì, viết gì, thậm chí suy nghĩ những gì nhưng không nói ra. Nhưng nếu không có công trình của Simon Leys chưa chắc tôi đã dám viết bài dưới đây. Cái phần văn hóa Trung Quốc tôi biết được, thu hẹp vào kiến thức sách vở và những quan sát ở các viện bảo tàng về văn hóa Trung Quốc ở Paris, Xin-ga-po. Năm 1994, tôi có dạy ở Hồng Kông, nhưng Hồng Kông lại Âu hóa quá mức, nó không thể đại diện cho văn hóa Trung Hoa được. Sau khi viết xong công trình “Sự tiếp xúc văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa”, tôi cảm thấy nhất thiết phải sang Trung Quốc để kiểm tra “các cảm nghĩ của mình”. Nhờ ông Đại sứ Việt Nam ở Trung Hoa là Đặng Nghiêm Hoành, tôi được phép đến Bắc Kinh, không phải là để biết, mà để kiểm nghiệm ấn tượng của mình về văn hóa Trung Hoa. Những điều nói dưới đây chính là sở nghiêm của tôi, trong đó một phần đã được Simon Leys xác nhận, cho nên tôi đánh bạo trình bày, mong các vị thức giả sửa chữa giúp.
Từ khóa tìm kiếm nhiều: bản sắc văn hóa dân tộc là gì