Văn hóa nông thôn của nông dân Việt Nam

     Tại Viện Hán Nôm hiện nay có văn bản 173 hương ước. Hương ước là một hiện tượng vừa riêng cho nông thôn miền Bắc và một phần miền Trung lại gần như phổ biến cho các làng. Tiếc rằng chưa có công trình xã hội học nào thực chu đáo về hiện tượng độc đáo này của làng xã Việt Nam. Một hương ước như một thứ hiến pháp được thành lập qua thời gian của một nhân dân quen với tục lệ và sống theo tục lệ và sẽ là cơ sở tốt nhất để chuyển sang cuộc sống dân sự theo pháp luật chung cho cả nước. Hương ước là một thứ giao kèo không chỉ giữa nhân dân một làng mà chủ yếu là giữa những người được nhân dân cử ra điều khiển làng với toàn dân. Đã gọi là giao kèo tức là trách nhiệm của cả hai bên, chứ không chỉ của người dưới. Nếu người trên không thực hiện đúng giao kèo họ sẽ bị người dưới phê bình và có thể mất chức.

Văn hóa nông thôn của nông dân Việt Nam

     Nhà dân tộc học Từ Chi trong bài “Dân chủ làng xã” cho rằng về mặt hình thức, bộ máy hành chính ở cấp xã lặp lại mô hình, bộ máy quản lý làng trong thể chế công xã nông thôn xưa, từ châu Phi đến châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ gồm ba vòng tròn trung tâm. Vòng tròn trung tâm là tù trưởng hay trưởng làng. Ở Việt Nam, đó là bộ phận lý dịch do lý trưởng cầm đầu thi hành mọi lệnh từ cấp trên đưa xuống. Vòng tròn ở giữa là tập thể các bô lão hay các “già làng”, ở Việt Nam đó là Hội đồng kì mục. Vòng tròn thứ ba là dân làng, ở Việt Nam đó là dân làng xã họp ở đình để nghe phổ biến và thi hành các lệnh trên

     Điều đặc biệt của văn hóa nông thôn Việt Nam đó là người dân có một quan hệ nhiều chiều trong làng xã. Một người cùng một lúc thuộc nhiều tổ chức gần như độc lập với nhau. Tình trạng này là rất cần để đảm bảo cho diện mạo anh ta. Diện mạo anh ta có thể thấp trong tổ chức này, nhưng lại cao trong tổ chức khác, nhờ vậy anh ta được che chở. Có tổ chức tư văn tập hợp những người có học chủ yếu lo việc làm văn tế, thờ cúng thành hoàng. Các tổ chức tư võ tập hợp những người thích võ nghệ, quân sự và có những lò vật nổi tiếng. Có những tổ chức chuyên cho từng nghề: nghề mộc, nghề đan, nghề thêu… Tổ chức mà theo Từ Chi là mang nhiều tính chất cổ xưa nhất, “nguyên thủy nhất là giáp”. Giáp gom lại mọi thành viên nam giới của một làng từ tuổi sơ sinh cho đến lúc chết. Trong một số trường hợp, nữ giới cũng có mặt, nhưng nam và nữ tập hợp lại thành hai tổ chức riêng, mỗi bên đều có những quy tắc khác phù hợp với giới tính của mình. Đời mỗi thành viên nam giới chia thành ba lứa: từ lúc ra đời đến 18 tuổi, từ 18 đến 50 tuổi, từ 50 tuổi trở lên và được ngồi vào chiếu các cụ.