Con người nhờ diện mạo mà giúp phân biệt mình với người khác

     Trong một xã hội có tổ chức cao, con người phải có diện mạo phân biệt mình với những người khác. Chính diện mạo tạo nên sự gắn bó hữu cơ giữa các thành viên trong một xã hội, khiến xã hội có người trên kẻ dưới, người làm việc này kẻ làm việc khác, có sự hưởng thụ khác nhau và những bổn phận khác nhau. Dĩ nhiên, diện mạo một người thay đổi và chính sự phấn đấu để thay đổi diện mạo là một động lực rất mạnh làm xã hội thay đổi.

Con người nhờ diện mạo mà giúp phân biệt mình với người khác

     Trong xã hội quân chủ trước đây, diện mạo thay đổi tương đối chậm. Nó bị quy định bởi gia thế, tài sản, chức vụ. Những cái này thường là khá ổn định. Rồi để củng cố diện mạo, xuất hiện khao vọng, ăn mừng, tiệc tùng, nghi lễ, ngôi thứ, những điều ta nhận thấy ở khắp nơi. Đồng thời, có những quy chế về quần áo, xưng hô, cách đối xử, cách ăn nói thưa gửi mà con người phải học tập từ bé mới khỏi lầm lẫn.

     Chế độ thờ cúng tổ tiên đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng đặc điểm khu biệt văn hóa Việt Nam là văn hóa nhân cách luận đối lập với văn hóa phương Tây là văn hóa cá nhân luận.

     Cá nhân luận khác chủ nghĩa cá nhân, mặc dù cả hai dịch từ chữ của Anh. Cá nhân luận khẳng định cá nhân có giá trị ở tự nó, không vay mượn ở đâu hết. Điều này đã được Thiên Chúa giáo khẳng định về mặt tôn giáo khi cho rằng tôi có một linh hồn riêng không liên quan gì đến ai, cũng không có quan hệ gì với thế giới vật chất, không nhập vào cái gì nữa và chỉ tồn tại trong cuộc sống của tôi. Rồi sau khi chết nó trở về với Chúa, lên thiên đường hay xuống địa ngục là do thái độ của tôi trong cuộc đời này. Khi xét như vậy, Thiên Chúa giáo là cá nhân luận triệt để. Vì vậy mục đích của giáo dục là xây dựng những người có ý thức về giá trị của cá nhân mình. Giá trị ấy thâu tóm trong quan niệm vươn lên bằng chính tài năng, thể lực, học vấn, sự ghép mình theo pháp luật, nhất là khả năng chinh phục thế giới, giành lấy sự thán phục của đồng loại bằng ý chí và địa vị của mình. Trong việc này nhiều người trở thành những người thám hiểm, những nhà bác học, những nghệ sĩ, những nhà tôn giáo và những nhà cách mạng.

     Còn nhân cách luận lại khác. Nhân cách dịch từ chữ “persona ” của Latinh, nghĩa đen là cái mặt nạ diễn viên mang khi đóng kịch. Một người đeo mặt nạ vua thì đóng vai vua. Kịch đeo mặt nạ vì phổ biến ở ĐNA, trong tuồng Việt Nam, diễn viên bôi mặt theo nhân cách mình cho nên ai trung, ai nịnh thì nhân cách không thay đổi trong toàn bộ vở kịch. Trong tiếng Việt, con người là con người theo cương vị, theo nhân cách. Cho nên với con tôi là cha, với vợ tôi là chồng, với ông tôi là cháu, với mọi người tôi là tôi, tức tôi tớ người ta. Trong từng trường hợp, tôi phải giữ đúng vai trò của tôi đối với người khấc. Khi tôi biết làm thế, tôi có nhân cách cao; còn khi làm trái, tôi có nhân cách kém. Có nhiều tiêu chuẩn khách quan do từng hoàn cảnh xã hội quy định. Một văn hóa như vậy lấy tu thân làm nền tảng, và tu thân chính là để thay đổi xã hội. Do giáo dục, tu dưỡng không ngừng, một người nhân cách luận trở thành một cá nhân mà cả thế giới đều phái phục. Ngược lại một cá nhân phương Tây do biết giữ đúng giá trị của cá nhân mình trong những hoàn cảnh khó khăn, lại có một nhân cách rất cao và ngay cả phương Đông nhân cách luận cũng quý trọng. Như vậy, cả hai nền văn hóa gặp nhau.

     Nhưng cả hai nền văn hóa đểu gặp những nguy hiểm. Cá nhân luận có thể bị hiểu sai, cho rằng giá trị mình, quyền lực của mình với người khác chỉ là ở số tiền mình có và sẽ sử dụng đồng tiền, quyền lực để thỏa mãn những ham muốn phi xã hội. Đó là xu hướng cá nhân chủ nghĩa, hiện nay rất thịnh hành và có thể dẫn tới sự suy sụp của phương Tây. Ngược lại, một văn hóa nhân cách luận rất có thể tạo nên những kẻ tham ô, hách dịch chỉ thấy giá trị mình ở địa vị, chức tước, tiền của, cương vị xã hội và quên mất trách nhiệm đối với đồng loại. Lịch sử cho thấy loại người này nhan nhản và đây chính là nguồn gốc của nghèo đói, ngưng trệ.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: bản sắc văn hóa là gì