Xây dựng nhân cách cho con người và cho đất nước

     Con đường giáo dục của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản là con đường nhân cách luận cách mạng. Nó là nhân cách luận vì lấy tu thân làm gốc, xây dựng con người cần kiệm, liêm chính, chí công, vô lo trước vui sau. Những điều này trong các sách xưa đã nhắc đến nhưng không có hệ thống như vậy. Nó là cách mạng vì mục tiêu của tu thân không phải vì mình mà để làm đầy tớ nhân dân lao động, đổi mới thân phận và diện mạo người lao động, tạo nên một xã hội phồn vinh, hạnh phúc vì người lao động. Một chủ trương có cách mạng hay không không phải ở tự nó mà ở mục tiêu: Ai hưởng? Căn cứ vào mục tiêu thì biết việc làm có cách mạng hay không?Chúng ta không nên coi nhẹ những kinh nghiệm quá khứ trong việc xây dựng nhân cách con người một khi văn hóa xưa và nay đều là văn hóa nhân cách luận.

Xây dựng nhân cách cho con người và cho đất nước

     Việc xây dựng con người có nhân cách ngày xưa, lấy gia đình làm xuất phát điểm, và cái đích phải đạt được đó là hiếu lễ. Con người có hiếu với cha mẹ, lễ tức là biết nhường nhịn với anh em, người trên thì mới có thói quen phục tùng kỷ luật của chính phủ và Đảng một cách tự giác, tình nguyện. Sau đó gia đình và trường học phái giáo dục cho trẻ em biết lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Lễ là giữ đúng cương vị, nghĩa là làm theo đúng điều nên làm, liêm là sự kiềm chế không tham lam, sỉ là biết xấu hổ trước một hành động trái với đạo nghĩa. Bảy thế kỷ trước công nguyên Quản Trọng đã thấy vai trò của “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ”đối với sự tồn vong của một nước: “Lễ, nghĩa, liêm, sỉ là bốn cái dây giềng của nước. Mất nó nước bị diệt vong”.

     Một gia đình ngày xưa dạy con biết hiếu lễ, liêm sỉ, không phải để nhờ con làm gì cho gia đình mà để giữ lấy đạo đức gia đình. Cái đó xưa gọi là gia phong. Nó quý hơn ruộng vườn, tài sản. Cái gì mất đi cũng có thể lấy lại được, nhưng gia phong mất đi, con người mất diện mạo rất dễ làm điều trái với đạo nghĩa.

     Nếu ta đừng nhìn các sách xưa về mặt nội dung mà nhìn về mặt quan hệ, ta sẽ thấy có một quan tâm bất biến đối với việc bảo vệ nhân cách, khẳng định diện mạo bất chấp hoàn cảnh khó khăn đến đâu. Cái diện mạo ấy được mĩ hóa bằng nhiều cách và nghệ thuật Việt Nam ngày trước tồn tại chủ yếu nhờ chỗ nó gắn liền với việc đề cao những nhân cách phù hợp với văn hóa của nó. Có bảy nền nghệ thuật thực hiện nhiệm vụ này và trong một đất nước nghèo khổ như Việt Nam xưa, sở dĩ nghệ thuật còn tồn tại là do phục vụ nhân cách luận.

Thứ nhất, là nghề cho câu đối, trướng, nghề cho chữ. Việc này chỉ có những nhà nho hay chữ mới làm được.

Thứ hai, là nghề viết chữ tốt,

Thứ ba, là nghề thêu,

Thứ tư, là nghề sơn,

Thứ năm, là nghề chạm trổ,

Thứ sáu, là nghề làm đồ thờ,

Thứ bảy, là nghề làm vàng mã,

     Diện mạo một người trong xã hội như xã hội Việt Nam lộ thuộc vào gia thế, một người ở trong một gia thế được bảy nền nghệ thuật đề cao như vậy dù ở vào một hoàn cảnh bất lợi cũng không dám làm chuyện bậy bạ sợ tổn hại tới gia phong. Họ sẽ có đủ nghị lực vượt qua thử thách để trở thành con người có ích.

     Khi gia đình là yếu tố tạo nên nhân cách người Việt Nam, thì truyền thống gia đình đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng nhân cách của từng người.

     Đối với người Việt Nam, điều quan trọng nhất là để lại tiếng thơm cho con cháu sau khi chết. Một ông vua khi sống thì gọi bằng niên hiệu, thí dụ vua Hồng Đức, vua Chiêu Thống. Nhưng sau khi chết, triều đình căn cứ vào cách cai trị của ông mà gọi bằng một cái tên khác; sau này lịch sử sẽ gọi bằng tên ấy. Thí dụ, vua Hồng Đức sẽ được gọi là Lê Thánh Tông, vua Chiêu Thống sẽ gọi bằng Lê Mẫn Đế là ông vua tội nghiệp. Con người bình thường chết đi cũng có một cái tên như vậy gọi là hiệu bụt và ghi vào bài vị. Cho nên nhìn bài vị thì biết bà này là Trịnh Nhuận, là Hiền Thục, ông này là Hiếu Dũng hay là Nhân Thuần. Các tên như vậy là có sãn được làng tặng cấp và được ghi vào gia phả. Đó là những thói quen có ích để xây dựng nhân cách.