Một là, tu tiên để thành bất tử.
Hai là, lên đồng để tiếp xúc với thần linh.
Do đó, các tổ chức của nó thường mang tính chất thần bí, chống lại tôn ty luận của chế độ quân chủ và thường tham gia vào các cuộc nổi dậy của nông dân. Trong các cuộc khởi nghĩa từ Hoàng Cân trở đi, Đạo giáo thường tham dự như cuộc nổi dậy của Hoàng Sào, Lý Tự Thành, một phần của Hổng Tú Toàn.
Dù cho mơ ước thành tiên chẳng ai đạt được, trái lại việc uống thuốc trường sinh đã làm cho gần hai trăm hoàng đế Trung Hoa phải chết, xu hướng khẳng định cá nhân ngoài tôn ty vẫn là một xu hướng có ý nghĩa to lớn và đã tạo nên những thành tựu văn hóa rất lớn:
Về mặt y học, dược học, việc tìm thuốc tiên đã đẩy mạnh sự phát triển của y học, dược học, dẫn tới một sự am hiểu các thảo mộc, cách bào chế thuốc hết sức tinh vi và có giá trị thực sự.
Thuật dưỡng sinh trong khi có chịu ảnh hưởng Phật giáo trong Yoga, phát triển thành khí công, các cách hô hấp, các cách bảo vệ sức khỏe, các phép châm cứu. Vốn xuất phát từ bói toán và nguyên lý vũ trụ với con người là một, nó lấy mô hình vũ trụ để giải thích các quan hệ trong cơ thể con người và tạo nên y lý của Đông y.
Có một tính thống nhất giữa một vũ trụ luận có tôn ty về việc duy trì cái khí trong mọi biểu hiện của văn hóa Trung Quốc từ y học, dược học, đến phong thủy, bói toán, thư pháp, hội họa, nghệ thuật đều dựa trên Đạo giáo. Thư pháp của Vương Hi Chi, thơ của Lý Bạch, Mạnh Hạo Nhiên, cách giải thích “Kinh Dịch”, các lý thuyết Tống Nho về Hà Đồ, Lạc Thư, Thái cực đô và phần siêu hình của Nho giáo rõ ràng chịu ảnh hưởng Đạo giáo. Thú vẽ tranh sơn thủy, chơi non bộ đều gốc Đạo giáo.
Nhưng từ đời Đường trở đi, dưới cái vẻ phồn thịnh, thực tế Đạo giáo vấp phải một đối thủ quá mạnh: Phật giáo. Nhu cầu thỏa mãn tâm linh bị Phật giáo lấn dần, dần dần một Phật giáo mới ra đời, và Phật giáo hơn là Đạo giáo là trào lưu chủ yếu của Trung Quốc.
Trước khi nói đến độ khúc xạ của Đạo giáo ở Việt Nam, cần phải xét sự khác nhau giữa hai tâm thức. Ý thức chủ đạo của tâm thức Trung Quốc là hình ảnh của triều đình hoàng đế cực kỳ đồ sộ, quy mô chặt chẽ, quy tắc gắt gao. Cái gì ở Trung Quốc cũng có tôn ty chặt chẽ. Ngay gia đình cũng thế. Người vợ gọi chồng là tướng công, người chồng gọi vợ là phu nhân, con trai được gọi là công tử, con gái là tiểu thư, người vợ tự xưng là thiếp. Như vậy là gia đình Trung Quốc lấy triều đình làm khuôn mẫu.