Cuộc sống của nhân dân khi Pháp xâm lược và vai trò của Cách Mạng

     Cái thân phận ấy bị vi phạm nghiêm trọng trong thời Pháp thuộc. Bọn thực dân Pháp và tay sai để kiếm nhân công rẻ mạt cho các hầm mỏ, đồn điền, đã thi hành chính sách bần cùng hóa nông thôn. Chúng xâm chiếm đất đai, đuổi nhân dân khỏi làng mạc, biến hàng chục vạn người ở đồng bằng miền Bắc thành những cu-li ở các đồn điền, các hầm mỏ. Đưa họ đi các thuộc địa thành cái mà báo chí ngày trước thường gọi là “hàng biết nói”. Đẩy hàng chục vạn người sang Pháp đi lính chết cho “mẫu quốc”. Ở nông thôn, bọn Tây đoan sục vào từng nhà bắt rượu lậu, bắt người ta uống rượu tây, bọn hào lý mặc sức hoành hành.

Nhân dân Việt Nam khi Pháp xâm lược và vai trò của Cách Mạng

     Rồi xuất hiện những thành phố, các tủ kính của chế độ thực dân. Ở đây hàng triệu nông dân vì đói phải trở thành tôi tớ, con sen, kéo xe, gái điếm, mất hẳn thân phận. Họ không có ai che chở, bị kinh rẻ, lừa bịp. Những giá trị thực tế của nhân cách họ trở thành bất lợi cho họ. Lòng trung thực của họ bị gọi là sự đần độn, phong tục của họ bị chê là quê mùa, họ kiếm được miếng ăn trong sự khinh rẻ của chính đồng bào của họ đang bị cá nhân luận kinh tế mua chuộc, làm hư hỏng. Họ sống cô độc, không nhà, không họ hàng, không có bàn thờ để thờ tổ tiên, không có một chút an ủi nào hết. Họ là đối tượng bị người Pháp và đồng bào của họ bắt nạt, đe dọa, sống nơm nớp, không có ngày mai.

     Cách mạng muốn xứng đáng với danh nghĩa của nó, tất yếu phải đổi mới thân phận. Chỉ có bằng cách đổi mới thân phận người dân lao động từ chỗ là kẻ tôi tớ, bị sai bảo, sang địa vị những người chủ của đất nước thì mới có điểu kiện huy động nhân dân lao động quên mình cho Cách mạng. Chính cách mạng đã trả lại cho họ thân phận, làm cho họ thấy địa vị thực tế của họ cho nên họ theo Cách mạng triệt để. Dù cho trong việc làm này có chỗ nào đó có vẻ quá đáng, nhưng một công cuộc long trời lở đất thê này làm sao tránh khỏi những sai sót? Chính công cuộc cải cách ruộng đất của Mao Trạch Đông ở Trung Quốc đã kéo được nông dân Trung Quốc về phía Đảng Cộng sản và đó là cơ sở của thắng lợi. Chỉ tiếc rằng tình hình Việt Nam không phải như Trung Quốc. Đảng duy nhất lãnh đạo cuộc kháng chiến không chia sẻ với một lực lượng nào khác, cho nên có thể có những châm chước thích hợp hơn với chiến tranh giải phóng dân tộc. Chỉ đến khi có Đảng lãnh đạo người dân lao động mới hiểu được sức mạnh của chính họ. Họ không sợ gian khổ, hi sinh bởi vì trong cuộc đời thực tế họ phần nào còn gian khổ hơn, phải hi sinh nhiều hơn mà vô nghĩa lý. Họ hiểu Chủ nghĩa xã hội ngay trong tâm thức của họ. Họ đã chết hai triệu người như súc vật trong nạn đói năm 1945, vậy có chết thêm vài triệu nhưng giành lại nhân cách làm người, họ đâu có ngại. Họ có kinh nghiệm chống lại những cám dỗ của chủ nghĩa thực dân bởi vì cuộc đời trước đây của họ đã là bài học cụ thể.

     Cuộc Cách mạng đã tạo nên một sự hoán cải thân phận. Con người Việt Nam từ thân phận nô lệ chuyển sang thân phận con người của một đất nước tự do, độc lập, góp phần vào việc chuyển đổi thế giới thứ ba thành thế giới đang phát triển. Ngay cả những  người chống lại Cách mạng cũng phải thừa nhận cái thân phận  mới mà họ có được là do Cách mạng. Đó là sự thực khách quan.

     Sự hoán cải này là kết quả của những hi sinh vô bờ bến.

Từ khóa tìm kiếm nhiều: bản sắc việt nam