Vị thế của phụ nữ trong đạo giáo và tín ngưỡng Việt Nam

     Một là lí thuyết đầu thai, lý thuyết này cho rằng linh hổn sau khi xác thịt chết có thể nhập vào một người, một động vật hay một vật vô sinh. Nó không những là chung cho ĐNA trước Phật giáo mà lí thuyết luân hồi của Phật giáo chỉ là một cách biểu hiện có lí luận hơn mà thôi. Người ta còn thấy những dấu vết của nó ở Cổ Ai Cập, ở Hi Lạp trong các lí thuyết của Platông, Pitago.

Vị thế của phụ nữ trong đạo giáo và tín ngưỡng Việt Nam

     Cơ sở của nó rất quen thuộc. Khi con tằm biến thành nhộng rồi con nhộng thành con ngài, khi bông hoa thành quả, ta thấy cái chết của vật này dẫn tới sự ra đời của vật khác. Các tộc người ở Tây Nguyên không xem cái chết là sự trừng phạt lớn nhất vì chết đi, họ sẽ đầu thai lại trong cùng tộc người. Hình phạt nặng nhất là bị đuổi ra khỏi buôn làng, vì như thế là mất hẳn quan hệvới cộng đổng của mình. Khi Đạo giáo Trung Quốc tìm kiếm sự bất tử của thể xác thì chính nó đã phủ nhận thuyết đầu thai. Theo như tôi biết, ở cổ đại Trung Hoa không có lí thuyết này.

     Hai là, vị thế của phụ nữ so với nam giới. Thiên đình Đạo giáo Trung Hoa hầu như chỉ có đàn ông; trái lại thiên đình Đạo giáo Việt Nam lại do nữ giới làm chủ. Nho giáo nhấn mạnh ưu thế của nam giới. Nó đã ảnh hưởng lớn tới Việt Nam. Đàn bà bị đẩy ra khỏi chính quyền. Lịch sử Việt Nam từ khi độc lập chỉ có Lý Chiêu Hoàng làm vua vài tháng (1224). Họ bị đẩy ra khỏi văn học chính thống trước thế kỷ XVI, khỏi hoạt động tại đình làng, khỏi vũ (người Kinh ở đồng bằng không có múa đôi nam nữ), và một phần khỏi vai trò chỉ đạo trong thờ cúng tổ tiên. Đàn bà chỉ chủ tế việc thờ cúng khi không có đàn ông, con trai. Truyền thống ĐNA vốn trọng nữ giới phải bù đắp sự thiệt thòi ấy bằng những tổ chức trong đó vai trò quyết định là thuộc nữ giới. Nếu như ở nhiều nơi, sự bất bình đẳng bắt nguồn từ thờ cúng và nữ giới bị xem là không trong sạch thì ở đây, trái lại, nữ giới là đối tượng được tôn thờ và làm chủ thế giới siêu nhiên. Nữ giới được ca ngợi, và tham dự chính vào các nghi lễ, hội hè, trò chơi, hát múa. Người đến các chùa, các điện thờ Đạo giáo chủ yếu là nữ.